CSR là gì?
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (tiếng Anh:Corporate Social Responsibility–CSR) là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của họ.
CSR có thể liên quan đến các hoạt động như:
- Hợp tác với cộng đồng địa phương
- Đầu tư có trách nhiệm xã hội
- Phát triển mối quan hệ với nhân viên và khách hàng
- Bảo vệ môi trường và bền vững
Một số doanh nghiệp có mục đích chính là hoàn thành các mục tiêu xã hội hoặc môi trường, một số doanh nghiệp cố gắng đạt được các mục tiêu tài chính của mình trong khi giảm thiểu bất kỳ tác động tiêu cực nào đến xã hội hoặc môi trường.
Thông qua các chương trình CSR, doanh nghiệp có thể mang lại lợi ích cho xã hội đồng thời thúc đẩy thương hiệu của chính họ. Các hoạt động của CSR có thể thúc đẩy tính thần làm việc và tạo ra sự gắn kết giữa các nhân viên trong công ty.
CSR được các nhà học thuật xây dựng từ trước thế chiến thứ hai và được phát triển rộng rãi vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Cuối cùng người ta thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp phát triển trường tồn đều có ý thức và hành động vì xã hội.
Tháp Caroll (Caroll Pyramid) là nền tảng lý thuyết cho CSR mà cho đến nay thực tiễn đã chứng minh một cách sinh động. Theo đó giáo sư Archie B. Caroll, một bậc thầy về quản trị doanh nghiệp tại đại học Georgia (Hoa Kỳ), cho rằng: một doanh nghiệp trường tồn và trở thành vĩ đại dựa trên tòa tháp trách nhiệm xã hội, bao gồm: Trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của công ty, Trách nhiệm về tuân thủ luật pháp, Trách nhiệm về đạo đức và Các công việc thiện nguyện. Theo lý thuyết tháp Caroll, xã hội luôn đòi hỏi doanh nghiệp làm nhiều hơn so với việc chỉ tạo lợi nhuận và tuân thủ pháp luật.
Tại Việt Nam, phần lớn các công ty chưa thực sự quan tâm đến CSR, một số công ty còn xem CSR như là gánh nặng về mặt chi phí. Sau hàng loạt vụ lùm xùm như Vedan hủy hoại môi trường sông Thị Vải, việc sử dụng nguyên liệu hết hạn của THP, hay Formosa xả thải làm cá chết hàng loạt, trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và xã hội ngày càng được chú ý hơn tại môi trường kinh doanh Việt Nam.
Ví dụ về hoạt động CSR
Trong chiến dịch kỷ niệm 40 năm, Vinamilk đã thực hiện Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam đến 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành khó khăn trên khắp Việt Nam.
Với mục tiêu xây dựng giá trị cho xã hội, cho những địa phương còn khó khăn. Tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng mang đến hy vọng mà Vinamilk vẫn luôn muốn xây dựng “Mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày”.
Hoạt động CSR của Vinamilk trong thời gian này chủ yếu tập trung vào quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” với chiến dịch tặng 40.000 ly sữa cho trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành.
Tiêu chuẩn ISO về CSR
Năm 2010, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã phát hành một bộ tiêu chuẩn tự nguyện nhằm giúp các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội của họ. Không giống như các tiêu chuẩn ISO khác, ISO 26000 cung cấp hướng dẫn thay vì yêu cầu vì bản chất của CSR là định tính hơn định lượng và các tiêu chuẩn của nó không thể được chứng nhận. Thay vào đó, ISO 26000 làm rõ trách nhiệm xã hội là gì và giúp các tổ chức chuyển các nguyên tắc CSR thành các hành động hiệu quả. Tiêu chuẩn này nhằm vào tất cả các loại hình tổ chức bất kể hoạt động, quy mô hoặc địa điểm của họ. Và, bởi vì nhiều bên liên quan chính từ khắp nơi trên thế giới đã góp phần phát triển ISO 26000, tiêu chuẩn này thể hiện sự đồng thuận quốc tế.
Tầm quan trọng của việc xây dựng doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội
Việc xây dựng mô hình doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội là rất quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Mọi nỗ lực gây dựng danh tiếng của một thương hiệu có thể sẽ đi tong chỉ trong vòng một nốt nhạc, nếu họ không may gây ra tác động xấu tới cộng đồng xung quanh.
Bài học về Vedan và câu chuyện xả thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Từ là thương hiệu bột ngọt nổi tiếng, cạnh tranh ngang ngửa với Ajinomoto, chỉ vì một “vết nhơ”, Vedan giờ đây vẫn chưa lấy lại được danh tiếng và vị thế vốn có của mình, dù sự việc đã được giải quyết xong xuôi từ cách đây hơn 10 năm.
Đặc biệt, trước sức mạnh của Internet và mạng xã hội, thông tin được lan truyền một cách nhanh chóng. Bất kỳ một hành vi tiêu cực của doanh nghiệp cũng sẽ không thể tránh khỏi sự nhận biết và phán xét của công chúng. Việc xây dựng hình mẫu thương hiệu có trách nhiệm xã hội lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn.
Ngoài ra, với danh tiếng là doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, họ cũng thu về cho mình khoản doanh thu lớn hơn so với những đối thủ. Theo thống kê củaReputation Insitute(2017), một tổ chức nghiên cứu danh tiếng của các thương hiệu, có tới“91,4% khách hàngquyết định lựa chọn mua sản phẩm từ thương hiệu có tiếng là có trách nhiệm với xã hội”,và“84,3% khách hàngtin tưởng vào những doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội khi doanh nghiệp đó rơi vào khủng hoảng lòng tin”.
Các cách tiếp cận CSR của doanh nghiệp
Nhận thức được tầm quan trọng của CSR trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp áp dụng các loại hình CSR khác nhau để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng, xã hội:
#1: Nghĩa vụ về kinh tế:
Đây là mức độ cơ bản nhất của doanh nghiệp nhằm thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng. Nhiệm vụ rất đơn giản: Doanh nghiệp làm sao phải đảm bảo việc trả lương cho nhân viên đầy đủ, hoàn thành nghĩa vụ về thuế với nhà nước,…
#2: Tuân thủ luật pháp
Đây là hình thức CSR cao hơn so với mức độ 1. Doanh nghiệp không chỉ phải hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, mà còn phải tuân thủ tất cả những vấn đề về pháp luật, như không kinh doanh những mặt hàng nhà nước cấm, không sử dụng lao động trẻ em,…
#3: Trách nhiệm đạo đức
Tuân thủ pháp luật là một chuyện, quan tâm tới các khía cạnh liên quan tới phạm trù đạo đức là một chuyện khác. Ở mức độ này, nghĩa vụ của doanh nghiệp là thường xuyên xem xét tới vấn đề tăng lương thưởng của nhân viên, tạo công ăn việc làm cho những người đang thất nghiệp, hạn chế giao dịch với các công ty không có trách nhiệm với xã hội,..
#4: Trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng
Đây là loại hình CSR cao nhất. Các doanh nghiệp áp dụng hình thức tiếp cận này quan niệm: Những đồng lợi nhuận mà họ kiếm được đều tới từ cộng đồng, môi trường xung quanh. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hoàn trả lại xã hội bằng nhiều hình thức, như thực hiện các hoạt động từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi, trồng cây gây rừng,…
Nếu chỉ nhìn thoáng qua, ta có thể thấy CSR khá đơn giản để các doanh nghiệp có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Nhưng trên thực tế, có nhiều yếu tố có thể gây cản trở doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình. Vậy làm thế nào để có thể xây dựng mộtdoanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội? Đó là nội dung của mục tiếp theo trong bài viết.
Xây dựng doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội
Xây dựng CSR đòi hỏi doanh nghiệp phải bỏ nhiều công sức, thời gian và tiền của. Đó là một câu chuyện dài, chứ không chỉ tiến hành làm qua loa một hai sự kiện. Dưới đây là một số phương cách để thể hiện mình là một doanh nghiệp có trách nhiệm:
Bắt đầu từ những việc làm nhỏ
Thực hiện những hoạt động thiện nguyện không phải là một điều đơn giản, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ. Nhưng doanh nghiệp của bạn hoàn toàn có thể bắt đầu các hoạt động tác động tới xã hội bằng những việc làm nhỏ.
Ngay cả với con số vài triệu tiền hỏi thăm các gia đình khó khăn xung quanh văn phòng doanh nghiệp bạn cũng đủ để tạo nên sự khác biệt.
Bắt đầu các hoạt động thiện nguyện ở khu vực địa phương nhỏ, rồi lan rộng ra khi doanh nghiệp của bạn phát triển là một cách làm hay để duy trì và gây dựng danh tiếng một cách từ từ.
Cùng nhân viên thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng
Gắn kết nhân viên với các hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp, đó là một cách làm thông minh. Cách làm này vừa giúp nhân viên thấy rằng, họ cũng có thể đóng góp tiếng nói vào hoạt động của doanh nghiệp, vừa giúp họ gắn kết và thực sự hứng thú với những gì mình đang trải nghiệm.
Doanh nghiệp có thể trao quyền cho nhân viên lựa chọn hoạt động thiện nguyện họ muốn thực hiện, lựa chọn hoàn cảnh bất hạnh mà doanh nghiệp tới ủng hộ, lập một phòng ban trong công ty chuyên thực hiện các hoạt động CSR,…
Biến khách hàng trở thành một phần trong các hoạt động CSR
Đây là một cách làm mới mẻ, nhưng hiệu quả đem lại có thể cao không ngờ tới.
Hãy nhìn ví dụ của Coca – Cola. Năm 2011, nhận thấy tác hại của rác thải nhựa tới vấn đề môi trường, Coca đã phối hợp với Facebook để đặt 1000 chiếc thùng rác tại Israel. Không dừng lại ở đó, người tham gia được Coca khuyến khích checkin tấm hình của mình bên cạnh những thùng rác họ đặt chai nước, chia sẻ lên Facebook, và kêu gọi bạn bè của mình làm hành động tương tự.
Hành động của Coca – Cola đã gắn kết khách hàng vào hành động thiện nguyện của mình, biến họ thành một phần của chiến dịch. Chiến dịch quảng cáo của Coca cũng đã góp phần thay đổi thói quen vứt rác của người dân Israel, giúp họ bảo vệ môi trường xung quanh, và làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu.
Khách hàng khi được trực tiếp tham gia vào hoạt động CSR sẽ có cảm tình hơn với doanh nghiệp, bởi chính họ cũng đã góp phần giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Dần dà, sự ủng hộ sẽ chuyển đổi thành hành vi mua sắm lúc nào chẳng hay.
Những điều cần tránh khi xây dựng CSR
Khi thực hiện các hoạt động liên quan tới CSR, bạn cần lưu tâm một số vấn đề như sau:
- Tránh thực hiện những hoạt động thiện nguyện chỉ vì mục đích Marketing đơn thuần. Điều này có thể khiến công chúng hiểu sai, rằng: Bạn thực hiện các hoạt động này chỉ để đánh bóng tên tuổi mình, chứ không vì mục tiêu cống hiến cho cộng đồng.
- Tránh tổ chức các hoạt động tình nguyện khi mình chưa có đủ nguồn lực để thực hiện. Thay vào đó, bạn nên trực tiếp quyên góp tới những tổ chức thiện nguyện có uy tín. Việc tổ chức một sự kiện “nửa vời” có thể khiến danh tiếng của doanh nghiệp bạn bị hủy hoại nghiêm trọng.
- Tránh thực hiện những hành động có thể gây hại cho môi trường khi tổ chức các hoạt động tình nguyện. Bạn nghĩ việc trồng cây sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nhưng nếu lựa chọn loại cây không phù hợp với thổ nhưỡng, môi trường xung quanh có thể sẽ bị hủy hoại.
3 cách truyền thông CSR hiệu quả cho doanh nghiệp
Muốn được nhiều người biết đến các giá trị CSR của doanh nghiệp, giải pháp hiệu quả nhất chính là truyền thông mạnh mẽ. Theo đó, có 3 cách mà các chuyên gia kinh tế đánh giá cao và khuyên các tổ chức áp dụng:
1. Truyền tải kiến thức chuyên môn đến xã hội:Là nền tảng phát triển sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách hàng nên chuyên môn chính là giá trị tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Các đơn vị có thể tận dụng nguồn tài sản này để biến chúng thành các kiến thức hữu ích, chia sẻ rộng rãi đến mọi người. Ví dụ như công ty dinh dưỡng có thể hướng dẫn cách nhận biết thông tin trên nhãn hiệu, lựa chọn sản phẩm phù hợp với giới tính,… Các nhà hàng có thể đưa ra lời khuyên về sử dụng thực phẩm sạch, lợi ích của ăn uống đúng cách,…
Tri thức không bao giờ là cũ, vậy nên đây là cách đơn giản nhưng luôn mang đến hiệu quả cho các tổ chức.
2. Phát triển chính sách cho nhân viên:Phúc lợi và chính sách dành cho nhân viên là một trong những lý do quan trọng để người lao động lựa chọn nơi làm việc. Do đó, chính sách càng cởi mở, tạo tiền đề cho cả hai phía cùng phát triển sẽ nhanh chóng thu hút ứng viên. Ngoài ra, khi nhận được phản hồi tốt từ đội ngũ nhân sự sẽ giúp đơn vị tăng thêm hình ảnh trên thị trường chung.
3. Hướng đến môi trường:Thân thiện với môi trường là một mục tiêu phát triển bền vững chung của nhân loại. Nếu doanh nghiệp của bạn làm được điều này, tức là đã tạo nên sự khác biệt với đối thủ, nhận được thiện cảm từ khách hàng. Đó cũng là lý do tại sao các nhà hàng, khách sạn hiện nay lại chú trọng đến việc phát triển xanh, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật thân thiện với môi trường.
Hướng đến môi trường là một trong những tiêu chí của CSR – Ảnh: Internet