Triết lý kinh doanh là gì? Các triết lý kinh doanh làm thay đổi cuộc sống của bạn

5/5 - (1 bình chọn)

Nội dung bài viết

Toggle

Triết lý kinh doanh là gì?

Triết lý kinh doanh là những tư tưởng có tính triết học mà chủ thể kinh doanh hình thành để hướng dẫn tư duy và hành động cho toàn thể các thành viên trong tổ chức. Triết lý kinh doanh bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, từ quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh… được con người tổng kết và rút ra những tư tưởng chủ đạo như là những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hành vi. Triết lý kinh doanh thường thể hiện qua lý do tồn tại và các quan điểm hành động, liên quan đến các bộ phận chức năng, các đơn vị trong tổ chức. Chẳng hạn trong quản trị nhân sự, quan điểm có tính triết lý như: “Con người là tài sản quý nhất của tổ chức”, nếu nhà quản trị hay chủ doanh nghiệp có quan điểm như vậy, họ luôn biết cách thu hút, sử dụng, đãi ngộ con người một cách hợp lý, giữ được lao động giỏi lâu dài. Hoặc trong quản trị marketing, tư tưởng: “Khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp” là một trong những quan điểm dẫn dắt hành vi các thành viên của doanh nghiệp trong các mối quan hệ với khách hàng, họ luôn tìm cách đáp ứng tốt các nhu cầu và mong muốn của khách hàng để giữ được khách hàng lâu dài…
Trong lịch sử phát triển của nhiều công ty, triết lý kinh doanh thể hiện qua nhiều hình thức như: Bài hát của công ty; bản tuyên bố chính thức… Ví dụ: Công ty Sony tuyên bố: “Sony muốn thông qua sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà phục vụ thế giới… vì vậy, Sony phải là người đi tìm cái mới, luôn đi trước thời đại… Sony có nguyên tắc tôn trọng và khuyến khích tài năng của mỗi người, chọn đúng người, giao đúng việc và bao giờ cũng cố gắng làm cho mọi người có thể cống hiến hết khả năng của mình, Sony luôn tin tưởng ở họ và để cho họ phát triển tài năng. Đó chính là nguồn sinh lực của Sony…”. Đây chính là những điều mà Akio Morita – được mệnh danh là “người thay đổi thói quen của toàn thế giới”, nhà sáng lập công ty Sony đã vạch ra, thể hiện cả mục tiêu dài, chiến lược và biện pháp, được xem là “Tinh thần Sony”

Vai trò của triết lý kinh doanh trong quản lý, phát triển doanh nghiệp

1. Triết lý doanh nghiệp là một phương tiện để giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra một phong cách đặc thù của doanh nghiệp.

Triết lý doanh nghiệp cung cấp các giá trị, chuẩn mực hành vi, nhằm tạo nên một phong cách làm việc, sinh hoạt chung của doanh nghiệp, đậm đà bản sắc văn hóa của nó.

Công tác đào tạo, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực có vai trò quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Với việc vạch ra lý tưởng và mục tiêu kinh doanh ,triết lý kinh doanh giáo dục cho đội ngũ nhân lực đầy đủ về lý tưởng,về công việc và trong một môi trường văn hóa tốt nhân viên sẽ tự giác hoạt động, phấn đấy vươn lên, và có lòng trung thành, tinh thần hết mình vì doanh nghiệp.

Ví dụ: Tại IBM, toàn thể công nhân viên được hướng dẫn một mục tiêu “Kính trọng đối với mọi người, phục vụ khách hàng tốt nhất, mọi nhân viên trong công ty đều phải có thành tích tối ưu”

Triết lý kinh doan đề ra một hệ giá trị đạo đức chuẩn làm căn cứ đánh giá hành vi của mọi thành viên nên nó có vai trò điều chỉnh hành vi của nhân viên qua việc xác định bổn phận, nghĩa vụ của mỗi thành viên đối với doanh nghiệp, với thị trường khu vực và với xã hội nói chung. Các đức tính thường được nêu ra như trung thực, tính đồng đội và sẵn sàng hợp tác, tôn trọng cá nhân, tôn trọng kỷ luật,…

Nhờ có hệ thống giá trị được tôn trọng, triết lý doanh nghiệp còn có tác dụng bảo vệ nhân viên của doanh nghiệp, tránh trường hợp lạm dụng chức quyền, …

2. Triết lý kinh doanh là cốt lõi của Văn hóa doanh nghiệp, tạo ra phương thức phát triển bền vững của nó

Văn hóa doanh nghiệp là cơ sở đảm bảo cho một doanh nghiệp kinh doanh văn hóa và bằng phương thức này nó có thể phát triển một cách bền vững.

Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố cấu thành, mỗi thành tố của văn hóa doanh nghiệp có một vị trí, vai trò khác nhau trong một hệ thống chung, trong hạt nhân của nó là các triết lý và hệ giá trị.

Do vạch ra sứ mệnh – mục tiêu, phương thức thực hiện mục tiêu, một hệ thống các giá trị có tính pháp lý và đạo lý, chủ yếu là giá trị đạo đức của doanh nghiệp. Nói gọn hơn, triết lý doanh nghiệp là cốt lõi của phong cách – phong thái của doanh nghiệp đó.

Triết lý doanh nghiệp là cái ổn định, rất khó thay đổi, nó phản ánh cái tinh thần – ý thức của doanh nghiệp ở trình độ bản chất, có tính khái quát, cô đọng và hệ thống hơn so với các yếu tố ý thức đời thường và tâm lý xã hội. Một khi đã phát huy được tác dụng thì triết lý doanh nghiệp trở thành ý thức lý luận và hệ tư tưởng chung của doanh nghiệp, bất kể có sự thay đổi về lãnh đạo.

Do đó triết lý doanh nghiệp là cơ sở bảo tồn phong thái và bản sắc văn hóa của doanh nghiệp. Akio Morita, cự chủ tịch công ty Sony nhận xét: ”Vì công nhân viên làm việc với công ty trong một thời gian dài cho nên họ thường kiên trì giữ vững quan điểm của họ. Lý tưởng của công ty không hề thay đổi. Khi tôi rời công ty để về nghỉ, triết lý của công ty Sony vẫn tiếp tục tồn tại”.

Ông Triệu Diệu Đông, tổng giám đốc công ty Trung Cương trước khi chuyển lên làm bộ trưởng bộ kinh tế của Đài Loan đã nói với ban lãnh đạo mới rằng: “Muốn cho tinh thần của công ty tướiangs cụ thể, lưu truyền mãi phãi thì phải tổng kết kinh nghiệm quản lý của công ty thành một bộ triết học quản lý thay thế những quy định của tệ tủn mủn, và để tránh người mất thì chính sự cũng mất. Các công ty Matsushita, Honda, Hitachi, Sony… là những công ty có lịch sử lâu đời và trải qua nhiều chủ tịch hang nhưng triết lý của chúng về cơ bản vẫn được duy trì.

Triết lý doanh nghiệp ít hiện hữu với xã hội bên ngoài; nó là tài sản tinh thần của doanh nghiệp, là cái tinh thần “thấm sâu vào toàn thể doanh nghiệp, từ đó hình thành một sức mạnh thống nhất” tạo ra một hợp lực hướng tâm chung.

Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật Bản, khoảng 200 ngàn thành viên của hang Matsushita Electric vẫn đọc và hát về triết lý của công ty vào mỗi ngày làm việc; họ cảm nhận được lý tưởng của công ty thấm sau vào tim óc họ, làm cho họ làm việc nhiệt tình phấn khích vì những mục tiêu cao cả. Do vậy, triết lý doanh nghiệp là công cụ tốt nhất của doanh nghiệp để thống nhất hành động của người lao động trong một sự hiểu biết chung về mục đích và giá trị.

Tóm lại, triết lý doanh nghiệp góp phần tạo lập nên văn hóa doanh nghiệp, là yếu tố có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy và bảo tồn nền văn hóa này. Qua đó, nó góp phần tạo nên một nguồn nội lực mạnh mẽ từ doanh nghiệp. Triết lý doanh nghiệp có vị trí quan trọng nhất trong số các yếu tố hợp thành văn hóa doanh nghiệp.

3. Triết lý kinh doanh là công cụ định hướng, cơ sở để quản lý chiến lược của doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp vốn rất phức tạp và biến đổi không ngừng. Để tồn tại được doanh nghiệp cần phải có tính mềm dẻo, linh hoạt và hơn thế nữa, muốn phát triển được lâu dài, nó cần them năng lực chủ động kinh doanh với tính khôn ngoan, sáng suốt.

Tính định tính, sự trừu tượng của triết lý kinh doanh cho phép doanh nghiệp có sự linh hoạt nhiều hơn trong việc thích nghi với môi trường đang thay đổi và các hoạt động bên trong. Nó tạo ra sự linh động trong việc thực hiện, sự mềm dẻo trong kinh doanh. Nó chính là một hệ thống các nguyên tắc tạo nên cái “dĩ bất biến ứng vạn biến” của doanh nghiệp.

Theo Peter và Waterman, chính triết lý kinh doanh (các ông gọi là hệ thống giá trị) mang tính định tính làm cho các công ty thành công hơn về tài chính so với những mục tiêu định lượng (lợi nhuận, thu nhập trên mỗi cổ phiếu, chỉ tiêu tăng trưởng), nó bù đắp cho chỗ yếu, chỗ bất lực của cơ cấu tổ chức, của kế hoạch trước những cơ hội xuất hiện tình cờ, khó đoán trước và không thể dự đoán chính xác.

Morita : “Một khi triết lý sống của công ty đã thâm nhập vào toàn bộ công nhân viên chức thì lúc đó công ty có một sức mạnh lớn và sự mềm dẻo hơn trong kinh doanh”.

Triết lý doanh nghiệp có vai trò định hướng, là một công cụ để hướng dẫn cách thức kinh doanh phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp. Nếu thiếu một triết lý doanh nghiệp có giá trị thì chẳng những tương lai lâu dài của doanh nghiệp có độ bất định cao mà ngay cả trong việc lập các kế hoạch chiến lược và dự án kinh doanh của nó cũng rất khó khăn vì thiếu một quan điểm chung về phát triển giữa các tầng lớp, bộ phận của tổ chức doanh nghiệp.

Sự trung thành với triết lý kinh doanh còn làm cho nó thích ứng với những nền văn hóa khác nhau ở các quốc gia khác nhau đem lại thành công cho các doanh nghiệp.

Triết lý kinh doanh là cơ sở để quản lý chiến lược doanh nghiệp.

Đối với tần lớp cán bộ quản trị, triết lý doanh nghiệp là một văn bản pháp lý và cơ sở văn hóa để họ có thể đưa ra các quyết định quản lý quan trọng, có tính chiến lược, trong những tình huống mà sự phân tích kinh tế lỗ – lãi vẫn chưa giải quyết được vấn đề.

Vì vậy, trong các công ty xuất sắc của Mỹ như IBM, Intel… các nhà quản trị đều có thói quen đối chiếu triết lý doanh nghiệp với các dự định hành động cũng như các kế hoạch chiến lược trong giai đoạn xây dựng. Họ nhận thức được rằng nếu làm trái với sứ mệnh và giá trị của công ty thì kế hoạch sẽ bị thất bại và họ sẽ bị xử lý kỷ luật rất nặng.

Ví dụ như ở HP: các cán bộ quản lý thường dựa vào triết lý kinh doanh để phân tích, lựa chọn các khả năng trước khi đưa ra một quyết định kinh doanh. Tại công ty Sony, vào thời kỳ mới ra đời, Ibika đã chế tạo thành công chiếc radio thu song ngắn.

Sản phẩm bán chạy, nhiều người đề nghị ông mở rộng sản xuất mặt hàng này nhưng ông kiên quyết từ chối, vì ông tuân thủ triết lý kinh doanh của công ty là “tìm kiếm những điều mới lạ chưa từng thấy để phục vụ toàn thế giới” nên để thực hiện lý tưởng cao đẹp này, “chúng tôi không chỉ nhằm vào sản xuất radio không thôi”.

Việc sáng chế ra những sản phẩm mới sau đó như máy thu thanh bỏ túi, tivi bán dẫn, đèn hình màu triniton, máy Walkman… đã chứng tỏ giới quản lý Sony đã trung thành với triết lý của mình và đã thành công với nó.

11 triết lý kinh doanh đơn giản làm thay đổi cuộc sống của bạn

Là một doanh nhân, đòi hỏi bạn phải tìm ra con đường của riêng mình cả cho công việc và cuộc sống cá nhân. Dưới đây là 11 triết lý kinh doanh đơn giản sẽ làm thay đổi cuộc sống và công việc kinh doanh của bạn.

1. Đừng bào chữa cho lỗi lầm, hãy cải tiến

Trong hầu hết các trường hợp, mọi thứ sẽ không hoạt động theo cách mà bạn muốn. Nó có thể là bất cứ điều gì từ dự báo doanh thu bị thiếu, không thể khởi chạy sản phẩm đúng như thời gian bạn dự định.

triết lý kinh doanh là gì

Chắc chắn sẽ có rất nhiều lý do để bào chữa cho nguyên nhân tại sao mọi thứ lại không đi theo cách bạn muốn, nhưng điều đó sẽ không làm bạn tốt hơn, đơn giản chỉ vì nó không giúp bạn giải quyết được vấn đề.

Thay vì bào chữa, hãy tập trung giải quyết vấn đề, có thể sẽ không sửa chữa được ngay lập tức, nhưng miễn là bạn đang thực hiện cải tiến, thì cuối cùng bạn được thành quả xứng đáng.

2. Đừng dừng lại khi mệt mỏi, chỉ dừng lại khi đã xong

Là một doanh nhân, ắt hẳn có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí muốn bỏ cuộc… đặc biệt là khi mọi việc diễn ra không tốt đẹp. Và những gì giúp bạn thành công chỉ có thể là kiên trì.

Nó không quan trọng cho dù bạn đã rất mệt mỏi, tự cảm thấy đã làm việc đủ giờ. Nhưng đừng bao giờ dừng lại cho đến khi mọi việc đã xong.

Thời điểm bạn dừng lại là bạn thất bại. Miễn là bạn cứ tiếp tục, cuối cùng bạn sẽ hoàn thành được mục tiêu.

3. Trung thực là món quà tốn kém, không mong đợi từ người rẻ tiền

Là một doanh nhân, bạn sẽ phải tìm kiếm đối tác, cộng sự để có thể nhận lại những phản hồi và lời khuyên. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, không phải tất cả lời khuyên đều có giá trị như nhau.

Lời khuyên tốt nhất bạn sẽ nhận được là sự thật. Sự thật có thể gây tổn thương, nhưng nó sẽ giúp bạn nhìn nhận ra vấn đề, từ đó tiết kiệm được công sức, thời gian và tiền bạc.

Đừng mong đợi những lời khuyên chỉ quan tâm đến cảm xúc của bạn, vì điều này sẽ không giúp bạn đạt được các mục tiêu của mình, nó chỉ làm bạn dậm chân tại chỗ mà thôi.

4. Làm việc chăm chỉ trong im lặng và giữ thành công cho riêng mình

Khi bạn làm tốt, hẳn bạn sẽ muốn thể hiện, muốn nói với mọi người về thành công và thành tích mà bạn đạt được.

Nhưng rồi về lâu dài, bạn sẽ hiểu, mua đồ đắt tiền sẽ không làm bạn hạnh phúc, cũng như việc nói với mọi người về thành công của bạn chỉ khiến họ nghĩ rằng bạn kiêu ngạo, thậm chí tạo ra sự cạnh tranh nhiều hơn.

Chỉ cần tập trung vào công việc của bạn vì suy cho cùng bạn không hề mong đợi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh với mình.

5. Đừng lúng túng khi không cùng suy nghĩ với người khác

Việc bị người khác tác động trên con đường kinh doanh là điều khó tránh. Nếu bạn không tập trung vào mô hình kinh doanh cốt lõi của mình, bạn sẽ thấy mình đang loay hoay trong những dự định và kết quả là nhận về con số 0.

Nếu muốn làm tốt công việc kinh doanh của mình, bạn cần bắt đầu gặp gỡ và giao lưu với những người có cùng chí hướng. Bằng cách “sống chung” với những người có cuộc sống thành công, tư tưởng tích cực, bạn sẽ rất ít khi bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực.

6. Đằng sau người thành công là rất nhiều năm không thành công

Doanh nhân Neil Patel đã từng chia sẻ: ” Khi mọi người nhìn vào những gì tôi đã hoàn thành, hầu hết họ đều nghĩ rằng tôi đã thực hiện nó trong vài năm gần đây. Nhưng họ không hề biết là tôi đã từng là một doanh nhân trong hơn 10 năm. Trong khoảng 10 năm đó, tôi đã mất hàng triệu đô la và mắc vô số lỗi lầm”.

Hầu hết các doanh nhân thành công sẽ không nói với bạn số lần họ khởi nghiệp, thực tế, rất nhiều người thất bại trước khi họ thành công. Vì vậy, miễn là bạn vẫn tiếp tục, thì tỷ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên theo thời gian.

7. Sống theo cách mà nếu có ai đó nói xấu bạn, sẽ không ai tin điều đó

Hoạt động của doanh nghiệp sẽ có lúc “lên” và “xuống”, nhưng một điều bạn nên bảo vệ hơn bất cứ điều gì khác là danh tiếng của bạn. Danh tiếng của bạn sẽ ảnh hưởng đến bất kì dự án kinh doanh mới và công việc mà có thể bạn sẽ rất cố gắng để có được sau này.

Hãy xem trọng danh tiếng của bạn như thể nó có giá trị hơn vàng, luôn luôn giúp đỡ người khác và không bao giờ nói xấu về người khác. Điều này sẽ rất hữu ích, vì nếu có ai đó nói xấu về bạn, sẽ không ai tin vào điều đó.

8. Hãy biết ơn những người giúp người giúp bạn theo đuổi ước mơ

Bạn sẽ không thể hoàn thành ước mơ của mình nếu không có sự giúp đỡ của người khác.

Khi đã đạt được ước mơ của mình, hãy chắc chắn rằng bạn không quên những người đã giúp bạn đạt được điều đó. Việc tìm hiểu mong muốn của họ để giúp đỡ cũng là điều mà bạn nên làm.

9. Bạn đang khó khăn không có nghĩa là đang thất bại

Chỉ vì bạn đang khó khăn, không có nghĩa là bạn đang thất bại. Mỗi thành công lớn đều đòi hỏi những thất bại nhất định. Nếu dễ dàng trở thành doanh nhân và không gặp phải bất cứ khó khăn gì thì ắt hẳn ai cũng trở thành doanh nhân.

Vì vậy, nếu gặp khó khăn, hãy đấu tranh và đừng bỏ cuộc, tiếp tục tiến về phía trước cho đến khi bạn nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

10. Điều khó mở nhất là một tâm trí khép kín

Cho dù bạn làm tốt như thế nào, nhưng với những người có tâm trí khép kín, cảm thấy bản thân mình biết hết và họ không muốn nghe bạn nói, thì mọi cố gắng đều là con số 0.

Bạn có thể cố gắng kiên trì với những người như thế này, nhưng điều khó mở nhất là một tâm trí khép kín. Vì vậy thay vì lãng phí thời gian, hãy cân nhắc trước khi chọn lựa ai đó giúp đỡ bạn trong công việc kinh doanh.

11. Nếu bạn giúp mọi người nhận được những gì họ muốn, bạn sẽ có được những gì bạn muốn

Một trong những đặc điểm của kinh doanh là những mối quan hệ, bạn không thể tiếp tục yêu cầu người khác ủng hộ mình nếu bạn không “trả nợ” cho họ.

Và thực tế chỉ ra rằng, nếu bạn giúp đỡ mọi người, họ sẽ đồng hành cùng bạn thêm một đoạn đường, và nếu bạn giúp đỡ những người không mong đợi bất cứ đền đáp gì ngược lại, thì mọi người sẽ đồng hành cùng bạn một quãng đường rất dài.

Exit mobile version